Khuyến khích trẻ nói chuyện nhiều hơn không có nghĩa là lúc nào bạn cũng nói để ép bé đáp lại. Thay vào đó, liệu bạn có cách nào khiến bé khiến cuộc trò chuyện trở nên thu hút hơn đến mức bé chẳng biết làm gì khác ngoài đáp lại bạn?
Một sự thật hiển nhiên, đó là trẻ sẽ phát triển khả năng ngôn ngữ tốt hơn nếu được nghe nhiều từ ngữ phong phú, nhưng một điều thú vị khác đó là thậm chí với cả những em bé sơ sinh, nếu người lớn coi các bé như những cá nhân trưởng thành để giao tiếp, chia sẻ cảm nhận và suy nghĩ thì khả năng ngôn ngữ của các bé cũng sẽ sớm phát triển tốt hơn về sau.
Còn nếu bố mẹ vẫn đang băn khoăn trong việc làm thế nào để khuyến khích trẻ nói nhiều hơn, hãy tham khảo 10 bí quyết dưới đây nhé.
1. Tạo những cuộc trò chuyện hai chiều ngay từ khi bắt đầu
Ngay từ khi bé còn là một đứa trẻ sơ sinh, bố mẹ hãy làm quen với việc thường xuyên giao tiếp với con không chỉ bằng lời nói (ví dụ thông báo cho con biết: “Nào con yêu, để mẹ bế con lên nhé”) mà còn bằng cả việc hiểu và phản ứng lại các tín hiệu con đưa ra như tiếng con khóc hay khi con bập bẹ.
Nếu không chắc chắn về tín hiệu mình đưa đến con, bạn có thể chờ đợi phản ứng từ bé sau khi nghe bạn đặt câu hỏi. Mọi thứ có thể sẽ không dễ dàng ngay khi bắt đầu, nhưng quan trọng là bạn cần kiên nhẫn và luôn tỏ ra sẵn sàng nghe cũng như hiểu cảm xúc của con.
2. Hãy sử dụng giọng thật và đại từ nhân xưng khi nói chuyện với bé
Nhiều người rất tin tưởng vào phương pháp giả giọng (motherese) khi nói chuyện với trẻ, tức là nói với một tông giọng cao nhưng chậm hơn bình thường để bắt chuyện với trẻ. Tuy nhiên cha mẹ cũng có thể cứ giữ tông giọng thật khi trò chuyện cùng con, với tốc độ nói chậm xuống.
Cách này giúp nhắc nhở bé rằng cha mẹ luôn coi bé là một người trưởng thành, có suy nghĩ, đây cũng là phương pháp dễ chịu, không gây đau đầu và đồng thời giúp bé làm quen và tiếp nhận tông giọng tự nhiên bạn muốn bé học. Càng được nghe ngôn ngữ thực tế, bé sẽ càng tiếp nhận nó nhanh hơn.
Chú ý, với những bé không thường xuyên được làm quen với phương pháp motherese, bé có thể sẽ cảm thấy mình bị thiếu tôn trọng khi nghe người lớn nói chuyện theo cách đó về sau. Ngoài ra, việc sử dụng đại từ nhân xưng như: Mẹ, bố, ông, bà…khi giao tiếp với bé cũng là một cách nhắc nhở bản thân bạn đang nói chuyện với con như 2 người lớn thực thụ. Đừng quan trọng việc bắt bé phân biệt đâu là bố, đâu là mẹ hay đâu là anh chị, bởi bé sẽ học được điều này khi chúng ta làm mẫu cho bé qua việc xưng hô bằng các đại từ nhân xưng trên.
3. Hãy nói những câu chuyện có ý nghĩa
Hay nói cách khác, thay vì dạy bé phân biệt đâu là quả bóng bằng cách cầm nó lên rồi chỉ và nói “Bóng”, hãy đặt danh từ này vào một nữ cảnh hợp lý hơn. Ví dụ, trong lúc chơi đùa với con bạn có thể nói: “Con yêu, hãy di chuyển đến gần mấy quả bóng đỏ rồi đẩy chúng ra xa cho mẹ xem nào.”
Trẻ con thường tiếp thu kiến thức tốt nhất khi chúng thực sự quan tâm và bị thu hút. Trong ví dụ này, bé có thể sẽ bị thu hút bởi các từ: ‘di chuyển’, ‘bóng đỏ’, ‘chạm vào’, ‘lăn’ và ‘ra xa’.
Lưu ý: Cha mẹ không cần thường xuyên áp dụng cách làm này với con trong suốt quá trình bé vui chơi, để biết khi nào là lúc nên dạy con, hãy chú ý quan sát, nếu thấy con nhìn về phía bạn thì đó là lúc nên bắt đầu một ngữ cảnh hợp lý để dạy con về thế giới xung quanh rồi đấy.
4. Đọc và kể truyện cho con một cách có trách nhiệm
Khi cùng con đọc sách, bố mẹ hãy lưu tâm hơn đến cảm xúc của con. Hãy làm theo những điều con muốn, ví dụ để con ngắm nghía trang sách trong vài phút nếu con thích, đừng vội bắt con chuyển trang hoặc cất sách đi nếu con không muốn. Còn nếu bạn là một ông bố bà mẹ có năng khiếu đọc truyện, hãy tự sáng tạo lối kể của riêng mình và kể cho con nghe. Một khi trẻ có hứng thú và đam mê với những quyển sách, trẻ sẽ yêu cả việc học và sử dụng ngôn ngữ.
5. Từ từ và chậm rãi
Một nguyên tắc bất di bất dịch mà bố mẹ nào cũng phải nhớ khi giao tiếp với trẻ đó là thật từ từ và chậm rãi, bởi như vậy thì bé mới có thể nghe và hiểu bạn đang nói gì.
6. Hãy đặt mình trong tâm thế thoải mái và bình tĩnh
Các bậc cha mẹ thường hay lo lắng và tỏ ra quan ngại khi con không đạt được những mục tiêu như đã kỳ vọng. Đừng sốt ruột mà hãy bình tĩnh, từ từ quan sát và chấp nhận sự thay đổi dần dần ở con. Nhiều khi bạn có thể phải ngạc nhiên vì tốc độ thay đổi khả năng ngôn ngữ của con chỉ sau 1 đêm ấy chứ.
7. Đừng kiểm tra con
Điều một đứa trẻ cần nhất ở bố mẹ trong quá trình học tập và làm quen với ngôn ngữ là sự tin tưởng, khi bạn kiểm tra con có nghĩa là bạn không tin tưởng con. Đừng hỏi con những câu hỏi ngớ ngẩn như kiểu: “Con yêu, chỉ cho mẹ mũi con ở đâu nào”, thay vào đó hãy tỏ ra ngợi khen khi con học được một từ mới, bởi áp lực và niềm vui đến từ thành tích sẽ giúp con có động lực học tập tốt hơn.
8. Những tiếng bập bẹ cũng là một cách nói chuyện của bé
Khi bé sơ sinh và các bé đang trong thời kỳ chập chững biết đi nói những từ bập bẹ nghe có vẻ không rõ ràng, thay vì làm ngơ hoặc bập bẹ lại một cách vô nghĩa, thể hiện sự thiếu tôn trọng với hành động và lời nói của con, bố mẹ có thể nói: “Con đang muốn nói gì phải không, có phải con đang chỉ con mèo vừa chạy qua không?”, hoặc “Hôm nay con muốn nói với mẹ nhiều thứ lắm phải không nào.”
9. Đừng nên sửa sai cho con
Trong quá trình làm quen với ngôn ngữ, các bé có thể sẽ bị nhầm lẫn trong việc phân biệt màu sắc, con vật và đồ vật xung quanh, lúc này các bậc phụ huynh thường có xu hướng sửa sai cho bé. Đừng làm như vậy! Đây là hành động không cần thiết và còn thể hiện sự thiếu khuyến khích với cho con. Trẻ sẽ sớm phân biệt được mọi vật khi bố mẹ kiên nhẫn và thường xuyên làm mẫu cho bé trong quá trình giao tiếp thôi.
Trong cuốn “In Learning All The Time”, John Holt đã lý giải: “Khi mới bắt đầu học ngôn ngữ, trẻ có thể sẽ dùng một vật để nói đến tất cả những thứ khác có hình thù tương tự, tuy nhiên điều đó không có nghĩa bé không thể phân biệt được thứ đó là gì”. Ví dụ, khi một cô bé nói tất cả các con vật xung quanh đều là chó thì không có nghĩa cô bé không biết những con vật còn lại có gì khác biệt với con chó.
10. Hãy bắt nhịp với cảm xúc và suy nghĩ của con một cách khéo léo
Ví dụ bé tự nhiên đòi bạn thay tã theo một cách cực kỳ nhí nhảnh hoặc lạ lùng, và lúc kiểm tra bạn vẫn thấy tã bé khô nguyên. Hoặc bé nói bập bẹ từ dưa và bạn biết bé đang muốn ăn dưa tiếp dù vừa được cho ăn xong.
Thay vì gạt ngay ý muốn của con bằng những câu nói như: “Tã con vẫn khô mà, không thay được bây giờ” hoặc “Con vừa ăn dưa rồi còn gì, làm sao mà lại đói nữa được”, hãy tỏ ra hiểu và thông cảm với đòi hỏi của con sau đó thay đổi ý muốn của bé bằng những cuộc trò chuyện chuyển hướng khéo léo như: “Con yêu vừa bảo mẹ thay tã à (chờ phản ứng của bé), mẹ biết con đang rất thích làm điều đó bây giờ, mẹ cũng rất vui khi thay tã cho con, nhưng mà giờ tã vẫn còn khô nên mình hãy đợi tẹo nữa rồi thay nhé” hoặc: “Con đang nói đến dưa phải không (chờ phản ứng của bé), hình như không phải con đói mà con chỉ đang thích nói từ dưa đúng không nào, từ đó có vẻ khá thú vị đấy nhỉ?”
Nói tóm lại, để giúp bé học tập và phát triển khả năng ngôn ngữ một cách hiệu quả, cha mẹ cần giữ được sự bình tĩnh, kiên nhẫn và quan trọng là phải luôn luôn tỏ ra lắng nghe, thấu hiểu con. Biết đâu vài năm nữa bạn sẽ trở thành người bạn tâm giao tuyệt vời của con thì sao.